Lụa đẹp vì người: Lịch sử của quần jeans và t-shirt

(mentoday.vn) – Hàng chục năm trời chịu phận hẩm hiu làm quần áo bảo hộ lao động cho mấy gã chăn bò hay thợ đốn gỗ hôi hám, một ngày đẹp trời được James Dean và Marlon Brando nâng lên hàng huyền thoại: Quần bò. Đó không phải thứ y phục duy nhất nhờ các ngôi sao lớn nhỏ để ra được thế giới rộng lớn, thậm chí đi vào hàng ngũ kinh điển của thời trang.

Chỉ nhờ vài phút màn bạc

Lụa đẹp vì người: Lịch sử của quần jeans và t-shirt

Đàn ông chịu ơn Marlon Brando vì đã đưa chiếc T-shirt trở thành một loại thời trang kinh điểnhippie

Giữa mùa Hè New Orleans ngột ngạt. Chàng và nàng đứng đối mặt nhau trong căn phòng cũ nát, hai bên nhìn nhau im lặng hồi lâu, rồi nàng cất tiếng: “Chắc anh là Stanley? Tôi là Blanche”. Stanley, được Marlon Brando mới vào nghề thủ vai, nhìn chằm chằm cô gái lạ, mở khuy áo khoác ném vào góc phòng, lộ chiếc T-Shirt đẫm mồ hôi trên thân hình lực lưỡng cơ bắp. “Phiền cô một chút nhé”, Stanley vừa nói vừa thay chiếc T-Shirt mới.

Mấy phút thủ vai nhân vật Stanley Kowalski đào hoa trong phim A Streetcar Named Desire của Tennessee Williams năm 1951 là bước đầu đưa Brando lên hàng minh tinh điện ảnh, và suốt đời ông sẽ không bao giờ chọn vai có tính cách khác. Ít nhất là một phần hào quang thô ráp và bạo lực của Brando chịu ơn chiếc T-Shirt mà cho đến giây phút đó chỉ e ấp ẩn mình làm đồ lót. Stanley là người phá mọi rào cản kiêng kỵ, trong đó có cả hình thức lễ nghi về y phục. Cảnh tiếp theo, khi Stanley trong chiếc T-Shirt ướt rách bươm đứng dưới bao-lơn gọi vợ sau này được trích giảng trong mọi trường điện ảnh.

Sau thành công vang dội của A Streetcar Named Desire, đàn ông cả thế giới nghiễm nhiên mặc T-Shirt ra đường, dĩ nhiên với mong đợi thầm kín là ít nhiều được hấp dẫn như Brando. Một cái áo lót vải bông rẻ mạt hình chữ T đột nhiên có sự nghiệp còn dài và rực rỡ hơn chính sự nghiệp của Brando! Hôm nay, sáu thập kỷ sau, T-Shirt vẫn chiếm một trong những vị thế kinh điển nhất của làng thời trang, bất kể ngắn hay dài tay, cổ tròn hay quả tim, trắng hay màu, để mộc hay in hình Che Guevara. Những bước đột phá mang tính cộng sinh như của Marlon Brando và chiếc T-Shirt không hiếm như ta tưởng. Mở tủ quần áo, ta sẽ thấy không ít đồ mà nếu không được một ngôi sao nào đó vô tình hay hữu ý lăng-xê thì đã âm thầm chết yểu. Bikini, quần ngố, trenchcoat, áo quây – tên những loại lụa chỉ đẹp vì người.

Y phục và tác động xã hội “Ai yêu ta thì theo ta!” là lời Jesus trong Kinh Tân ước, lại cũng là hàng chữ trên biển quảng cáo xuất hiện năm 1973 ở Ý và gây ra một vụ bê bối chóng mặt. Không chỉ vì người ta lạm dụng một câu trong Kinh thánh để quảng cáo quần bò, cũng chẳng riêng vì sản phẩm ấy được công ty chọn cái mác báng bổ là “Jesus Jeans”. Mà chủ yếu vì cái quần ấy rất khó được phép gọi là… quần. Hotpant ra đời với độ ngắn kỷ lục, phụ nữ trong hotpant thì khó nói là đang mặc hay cởi, vì nó chỉ trùm nửa mông. Nguồn gốc của chiếc soóc mini ấy là London hồi cuối thập kỷ sáu mươi, từ tay thợ tạo mốt Mary Quant đến từ xứ Wales. Sản phẩm thiếu vải ấy là hiện thân của tinh thần thời đại bấy giờ: cuộc cách mạng tình dục đi kèm với các trào lưu phản kháng trong xã hội dẫn đến văn hóa hippie mà trong đó hotpant làm họ hàng gần gũi với mini-jupe cộc cỡn.

Thực ra cả chục năm trước phát minh của Quant người ta đã biết đến thứ đồ kiệm vải đó, duy chỉ mang tên khác. Năm 1949 đạo diễn Giuseppe De Santis khi làm phim Riso Amaro theo phong cách hiện thực mới để tố cáo việc bóc lột nữ công nhân thời vụ ở Pianura Padana đã chọn nữ diễn viên vô danh Silvana Mangano. De Santis xếp vai nữ chính lội bùn trong áo thun bó và quần soóc ngắn cũn. Ở cái thời mà đùi vế phụ nữ bị cấm lên màn ảnh, Silvana Mangano đã – cố ý hay vô tình – một bước lên hàng bom sex. Ở đây, cũng như trường hợp Marlon Brando, thoạt tiên người ta dùng thân thể để gây tiếng vang, và đôi khi tạo ra hẳn một xu hướng thời trang.

Giống như bikini, hotpant khoe nhiều hơn che. Hồi những năm 1960 nó cùng mini-jupe tạo ra biểu tượng chống lại cái vỏ đoan trang kiểu cách của xã hội tư sản. Hotpant sống lâu hơn mọi thứ mốt hết ngắn lại dài khác, thậm chí chiếc “quần nóng” ấy còn được Madonna Louise Ciccone đưa lên sân khấu nhạc Pop thành công. Trong chuyến lưu diễn Blond Ambition năm 1990, Madonna trưng diễn một loạt đồ nóng, nhất là bộ coóc-xê do Jean Paul Gaultier sáng tác. Thậm chí Giáo hoàng Jean Paul II phải lên tiếng kêu gọi người Ý tẩy chay các buổi biểu diễn của Madonna.

Lụa đẹp vì người: Lịch sử của quần jeans và t-shirt

Jeans có từ lâu nhưng đến khi James Dean mặc nó thì jeans ngay lập tức trở thành thời trang

Từ lưng ngựa ra nhà hát

Jeans – không như nhiều người vẫn tưởng là phát minh của người Đức Levi Strauss – đã có từ thời Phục hưng. Cái tên jeans hay nguyên thủy blue jeans đến từ chữ Pháp “Bleu de Gênes” để chỉ thứ vải thô nhuộm chàm vẫn được dùng may quần cho thủy thủ và công nhân cảng ở Gênes (tức Genova thuộc Ý, sau này bị người Mỹ nói ngọng thành jeans). Quần bò hoặc vải bò may buồm còn được giới cowboy dùng rất lâu, cho đến khi James Dean trong Rebel Without A Cause cũng như Marilyn Monroe trong The MisfitsRiver Of No Return đưa lên hạng “phổ thông cao cấp”. Jeans không chỉ là quần, mà đã thành một ý thức hệ, vì bên cạnh tính tiện dụng thì người mặc nó còn muốn thể hiện chí khí của mình. Đã có một thời ấu trĩ ở các nước Đông Âu cấm sinh viên mặc quần bò đến trường hay ra sàn nhảy.

Thập kỷ 1960 đánh dấu sự ra đời một thế giới quan mới ở Tây Âu, giới trẻ soi lại những giá trị và tiêu chí luân lý của xã hội tư sản già cỗi. Thời hậu chiến thắt lưng buộc bụng đã qua, nhường chỗ cho những tiến bộ của kinh tế thị trường. Đó chính là lúc phong trào phản kháng của thanh niên và sinh viên bắt đầu. Thay vì các giá trị vật chất đang được coi trọng, người ta tìm đến khía cạnh tinh thần. Một biểu tượng thích hợp cho tư duy ấy là chiếc quần bò do lính Mỹ đồn trú ở Tây Âu phát tán. Thêm vào đó là các thần tượng Hollywood cũng góp phần quảng bá lối sống “nổi loạn”.

Thời thế thay đổi, hôm nay jeans còn xuất hiện ở nhà hát, và bikini không được phép thiếu tại cuộc thi hoa hậu nào, cho dù ở đó toàn “con nhà lành” uốn éo đi lại…

mentoday.vn theo TTVH